Xã Hội & Tuổi Trẻ ->Xã Hội & Tuổi Trẻ->Nét mới từ buổi "Tọa đàm Mùa xuân” của Huynh trưởng ngành Thiếu GĐPT TT. Huế năm 2017  
Nét mới từ buổi "Tọa đàm Mùa xuân” của Huynh trưởng ngành Thiếu GĐPT TT. Huế năm 2017
 
Trong tiết trời đầu xuân ấm áp, sáng ngày 19/02/2017 (nhằm ngày 23/01 năm Đinh Dậu), tại hội trường Tổ đình Từ Đàm, số 01 Sư Liễu Quán, phường Trường An, TP Huế đã diễn ra buổi “Tọa đàm mùa xuân” dành do Huynh trưởng ngành Thiếu các đơn vị TP. Huế do BHD GĐPT tỉnh TT-Huế tổ chức.
Tham dự chương trình có các anh chị Huynh trưởng thường trực BHD Phân ban GĐPT TT Huế, Ủy viên ngành Thiếu của 4 huyện thị xã cùng một số Gia trưởng, Liên đoàn trưởng, Liên đoàn phó và Huynh trưởng cầm đoàn đến từ 24 đơn vị GĐPT TP Huế với tổng cộng 95 đại biểu tham dự.
Phát biểu khai mạc, Huynh trưởng Tâm Toại - Nguyễn Viết Kế, đại diện BHD nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức tu học, sinh hoạt GĐPT để bắt kịp với thời đại mới. Anh nêu ra 3 câu hỏi, và cũng là 3 mục tiêu của buổi Tọa đàm, đó là: Làm sao để nâng cao chất lượng Huynh trưởng ngành Thiếu? Các giải pháp giữ chân và thu hút đoàn sinh ngành Thiếu? Các hoạt động mà các đơn vị GĐPT TP Huế có thể phối hợp thực hiện cho ngành Thiếu trong năm 2017.
Tiếp nối chương trình, UV Thiếu nam và Thiếu nữ BHD Tỉnh báo cáo các hoạt động của ngành thiếu trong nhiệm kỳ vừa qua 2012 – 2016 và định hướng các mục tiêu mới trong nhiệm kỳ 2017 – 2022, bao gồm các mục tiêu lớn là:nâng cao năng lực cầm đoàn ngành Thiếu cho Huynh trưởng, đổi mới hình thức sinh hoạt để duy trì và phát triển số lượng Đoàn sinh cũng như bồi dưỡng, đào tạo cho Đoàn sinh trở thành nguồn lực Huynh trưởng kế cận. Kết luận lại, phương châm 5T của người Huynh trưởng trong thời đại mới cần có là: Truyền thống – Tích hợp – Trực quan – Thực tế - Tri thức.
Tại buổi tọa đàm, đại diện của 3 đơn vị GĐPT tiêu biểu là Thiên Hương, Dương Biều và An Lạc đã lần lượt chia sẻ những điểm nổi bật, mới mẽ trong phương thức tu tập, sinh hoạt cùng bài học kinh nghiệm cho các đơn vị khác tham khảo và áp dụng. Có thể kể đến như việc thành lập các CLB thể thao như bóng đá, cầu lông, thành lập đội lân GĐPT, tổ chức các kỳ trại lồng ghép nhiều hoạt động vào các dịp nghỉ lễ hàng năm để nhiều ĐS có thể tham gia khi đồng loạt được nghỉ học, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Phật pháp theo hình thức mới lạ để tránh tình trạng “ngủ đông” của các đơn vị, thúc đẩy các hoạt động bề nổi như văn nghệ, báo chí, văn học vào các dịp Chu Niên, Vu Lan, mừng xuân… và đa dạng hóa hoạt động truyền thông theo hướng xây dựng góc Đoàn quán của đơn vị và các đoàn trên Fan page Facebook.... Bên cạnh đó, đại diện GĐPT An Lạc trình bày nỗi niềm trăn trở khi số lượng và chất lượng sinh hoạt có phần giảm sút do ảnh hưởng của nhiều yếu tố xã hội gần đây, đồng thời có những chia sẻ tâm huyết để giải quyết tình trạng trên. Kết thúc phần chia sẻ, các anh chị Htr được chia làm 3 nhóm của tổ điều hành gồm nhóm trưởng, thư ký và quan sát viên nhằm thảo luận và cùng nhau tìm ra đáp án cho 3 câu hỏi lớn được nêu ra từ đầu. Các cuộc thảo luận tại từng nhóm diễn ra cởi mở, gần gũi và sôi nổi, rất nhiều ý kiến hay và sáng tạo được đưa ra, góp phần giúp buổi Tọa đàm bước đầu thành công khi đã xới xáo các vấn đề trăn trở về việc phát triển ngành Thiếu nói riêng, cũng như GĐPT nói chung hiện nay.
Trong các nhóm giải pháp được đưa ra tại buổi Tọa đàm, đáng chú ý là việc nhấn mạnh sự tu tập tự thân, duy trì phẩm hạnh và thân giáo của người Htr, bên cạnh đó cũng cầnnhiều cơ hội để gắn bó chặt chẽ hơn và tạo sự thông cảm, hiểu nhau giữa thế hệ Htr cao niên và Htr trẻ tuổi để BHTr mạnh dạn phân công, giao việc và tin tưởng cho thế hệ trẻ vì chỉ có Htr trẻ mới gần gũi, nắm bắt nhu cầu tâm sinh lý và đồng hành với ngành Thiếu tốt nhất. Một điểm cần lưu ý nữa là Htr cầm đoàn phải thường xuyên quan tâm đến ĐS theo phương châm “Mỗi Htr như một giáo viên chủ nhiệm”, tích cực tìm tòi và đổi mới phương pháp tu học sinh hoạt theo hướng áp dụng công nghệ thông tin, kịp thời tìm hiểu và sử dụng mạng xã hội (Vd: Facebook) như là một kênh quan trọng để tạo nhịp cầu gắn bó với ĐS trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Cuối cùng khá nhiều ý kiến đưa ra đề xuất BHD tỉnh cần tổ chức các hoạt động bề nồi mang tính liên gia đình, kết nối các đơn vị với nhau để Htr các đơn vị mạnh hỗ trợ các đơn vị yếu, đồng thời cần nghiên cứu tổ chức các buổi tập huấn nâng cao kỹ năng cầm đoàn, kỹ năng mềm (vd: thuyết trình, sử dụng công nghệ thông tin cho Htr), và cuối cùng là các hoạt động Hội thao GĐPT để phát triển Đức-Trí-Thể-Mỹ cũng như cần thêm các sự kiện, hội thi, diễn đàn, trại bay dành riêng cho ngành Nữ GĐPT trong thời gian tới…
Có thể nói, mặc dù chỉ diễn ra trong nửa ngày nhưng buổi “Tọa đàm mùa xuân” của Huynh trưởng ngành Thiếu TT. Huế năm 2017 đã thu về những tín hiệu tích cực. Đây là chương trình lần đầu tiên được BHD GĐPT TT Huế tổ chức, hình thức chương trình cũng có nhiều nét đổi mới đáng hoan nghênh như việc áp dụng trình chiếu Powerpoint trong thuyết trình được sử dụng sáng tạo, linh hoạt trong cả buổi Tọa đàm hay việc chia nhóm thảo luận song song với các chủ đề thiết thực đều là những điểm mới mẽ và thu hút sự hưởng ứng và thích thú của các anh chị tham gia. Hy vọng với bước chạy đà này, ngành Thiếu GĐPT TT Huế sẽ có nhiều nét khởi sắc trong năm mới 2017 và những năm tiếp theo.
 
Một số hình ảnh ghi nhận được tại buổi Tọa đàm:
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thanh Lâm – Quảng Tâm
Bài viết mới:
Các bài viết khác...