Đoàn hành hương đã bước qua ngày thứ 3. Ngay từ sáng sớm, chúng tôi thúc dậy và lên xe để hướng về thành Ca-Tỳ-La-Vệ, nơi mà Đấng Từ Phụ đã sinh ra và lớn lên suốt 29 năm.
ĐƯỜNG VỀ QUÊ CHA
Ca- Tỳ -La –Vệ (KAPILAVATTHU), KINH ĐÔ CỦA VƯƠNG QUỐC THÍCH CA (SAKYA)
Sự từ bỏ vĩ đại
Con đường đưa chúng tôi về quê Cha vẫn gập gềnh, nhiều ổ gà như là tình cảnh của những con đường trên khắp miền quê của Ấn Độ. Cảnh vật và con người nơi đây dường như là một bức tranh tương phản với đời sống văn minh hiện đại của loài người mà chúng tôi thường nghĩ về. Nhưng, “hạnh phúc đâu chỉ có cơm no và áo đẹp”. Chúng tôi vẫn thấy những nụ cười hiền từ, vô ưu trên những khuôn mặt của các trẻ thơ; những người nông dân với ánh mắt to và sâu thẳm, vẫn toát lên niềm hạnh phúc với thế giới thực tại. Có vẻ như họ đã “như ý vạn sự” với cuộc sống này.
Có thể nói, người ta sẽ không biết đến, hoặc sẽ không còn nhớ đến dòng họ Thích Ca nếu họ không sinh ra cho nhân loại một đứa con vĩ đại; người ta cũng sẽ không còn nhớ kinh thành Ca-Tỳ-La-Vệ năm xưa, nơi mà ngay cổng phí đông của cổng thành này đã xảy ra “cuộc từ bỏ vĩ đại” để rồi 35 năm sau đó trở thành một đấng giác ngộ siêu việt được tôn kính ngàn đời.
Từ Khách sạn Buddha Maya Garden, nơi đoàn chúng tôi dừng chân, đi về phía Tây khoảng 27 km là đến thành Ca- Tỳ -La –Vệ . Còn đây là tàn tích của kinh thành của vương quốc dòng họ Thích Ca năm xưa. Di tích này được xác định bằng khu đất Tilaura Kot (cung điện, nội cung).
Hoàn toàn trái ngược với một kinh thành tráng lệ, nơi Thái tử Tất Đật Đa sống 29 năm trong lịch sử, trong văn chương hay thi ca, Ca- Tỳ -La -Vệ ngày nay chỉ còn lại là một phế tích trơ trọi với không gian yên tĩnh như đã vùi sâu vào giấc ngủ của thế sự vô thường.
Tương truyền rằng, khi xưa Ca -Tỳ- La- Vệ là một khu rừng hoang, khi đó một vị thánh giả Kapil Gautama (tạm dịch: Ca Tỳ Cồ Đàm) đã khuyên thái tử Ikshwaku đến đó để lập nghiệp. Thái tử được mọi người biết qua tên Shakya đã nghiễm nhiên trở thành Shakya Gautama và đặt tên cho vương quốc của mình là Kapilvastu (Ca -Tỳ- La -Vệ). Thái tử Sĩ Đạt Ta đã xuất thân chính từ dòng dõi này.
Thái tử đã sống một thời gian trong kinh thành vô cùng hoan lạc.
Theo lời xác nhận của ngài Huyền Trang, chúng ta có thể kết luận một cách khái quát về lãnh thổ và dân chúng của cộng hòa Sakiya. Vùng đất này có lẽ rộng khoảng 2000km2, phần lớn gồm rừng rậm và không được canh tác. Nếu ta giả thiết đối với vùng đất phì nhiêu ở trung ương bình nguyên Tarai và tính thấp hơn so với con số khá cao hiện nay, mật độ trung bình 90 người trên 1km2, ta sẽ có tổng số 180.000 dân trong đó 8000 người sống ở thành Kapilavatthu và 4000 người sống ở một trong tám hay chín thị trấn kia. Như vậy, khoảng 40.000 cư dân cộng hòa Sakiya là dân thành- thị, và phần còn lại 140.000 là dân thôn quê. Giới quý tộc- võ tướng có lẽ khoảng 10.000 người hầu hết sống ở đô thị, nhưng cũng như đa số dân chúng, họ đều làm nghề nông. Điều ấy thể hiện qua tên của đức Vua, Suddhodana, nghĩa là người trồng lúa sạch, (anh ngữ là Pure rice, tiếng hán là Tịnh Phạn).
Cuộc sống xa hoa của thái tử được mô tả trong các công trình nghệ thuật của Ấn Độ càng cho chúng ta thấy sự xuất gia, sự từ bỏ của Ngài là sự xuất thế của bậc vĩ nhân, của một đấng siêu phàm. Bởi lẽ, ngay từ thời niên thiếu, Ngài đã nhận thức cuộc đời không phải lúc nào cũng đem đến lạc thú và đằng sau mọi hạnh phúc (Sukha) đều sẵn có khổ đau vô thường (dukkha) rình rập.
Sự từ bỏ ấy là sự thỏa thuận với Vua Cha- Tịnh Phạn Vương, và người vợ- Da-Du-Đà-La, đã biết hi sinh vì nghiệp lớn của chồng. Lập gia đình lúc 16 tuổi, nhưng suốt 13 năm không sinh con, vì Thái tử biết mình sẽ đi xuất gia và con thơ sẽ không có cha bên cạnh, và người rõ nhất là Da-Du-Đà-La. Sau khi Vua cha không giải thích được các câu hỏi về nhân sinh của Thái Tử, Đức Vua mới ra một điều kiện tiếp theo: hãy sinh cho Trẫm một đứa cháu nội. Như là sự thõa mãn điều kiện ấy, sau 7 ngày sanh La-Hầu-La, Thái tử đã từ giã gia đình để lối xuất gia. Tịnh Phạn vương cứ nghĩ rằng, khi có con cái, có sự ràng buộc nên Thái tử sẽ từ bỏ ý nguyện xuất gia của mình. Đó là lý do tại sao có tên La-Hầu La, nghĩa là sự ràng buộc.
Qua câu chuyện trên, ta thấy lòng quyết tâm, ý chí cao tột của thái tử hướng về đạo giải thoát của Thái Tử.
Thời gian thật tàn nhẫn, xóa nhòa đi lịch sử hào hùng năm xưa nơi đây. Những bức tường thành rộng và dài đã gợi lên một kinh thành xoa hoa, lộng lẫy trong tâm trí chúng tôi.
Còn đó, những phế tích thành cổ được bao bọc xung quanh bởi những hào nước và những bức tường làm bằng gạch. Khu vực cấm thành có chiều dài là 518m chạy từ Nam đến Bắc, và rộng 396m chạy từ Đông sang Tây, khoảng 20.5 hec-ta.
Đoàn chúng tôi dừng lại di tích cổng phía Đông, nơi đã chứng kiến Thái tử Tất-Đạt-Đa xuất gia tìm đạo. Chúng tôi dừng lại đây lâu hơn những di tích khác, như là sự suy niệm về cuộc đời và biết ơn về sự khởi đầu trên lộ trình tu học đạo của đức Thế Tôn.
Cách cổng phía đông không xa, là nền móng nhà nhỏ còn sót lại, ẩn mình trong cỏ hoang rậm rạp là nơi mà người dân nơi đây cho là căn lều nhỏ của Sa-Nặc và Ngựa Kiền-Trắc sinh sống. Tương truyền, sau khi đưa thái Tử xuất gia, Sa-Nặc cùng ngựa Kiền-Trắc buồn bã không muốn vào trong thành, vì quá đau buồn khi phải xa người chủ thân yêu của mình. Chẳng bao lâu sau, ngựa Kiền-Trắc đã chết vì sự đau buồn ấy. Sự thật về câu chuyện trên còn bỏ ngõ, nhưng chắc chắn rằng, sự đau buồn khi phải xa người chủ thân quen của mình là điều có thật. Người xưa luôn ca ngợi ân tình như ngàn năm về sau vẫn thế.
Cách khu vực cấm thành không xa, hai ngôi mộ được cho là của Hoàng hậu Maya và Vua Tịnh Phạn nằm riêng một góc trời, như chẳng còn ai biết tới. Thế sự đổi thay, thân tứ đại sẽ về với nguyên thể của nó. Biết rằng như thế, một thoáng xót xa về thân phận, về kiếp người trỗi dậy trong tôi.
Hình ảnh của Kapilavatthu:
Chúng tôi hiểu lẽ vô thường, không có gì tồn tại mãi với thời gian, sự vô tình của lớp bụi thời gian vẫn còn đó như bao đời nay. Nhưng, sự kiện xuất gia, sự từ bỏ vĩ đại đã diễn ra tại nơi đây vẫn thôi thúc bản thân mình: đã có sự từ bỏ nào trong chúng ta chưa? Sự tầm cầu xưa nay của chúng ta có phải là sự tầm cầu của các bậc thánh? Sao ta mãi trầm luân khi đấng Từ Phụ đã giác ngộ giải thoát từ lâu? Chúng tôi chợt nhớ đến lời dạy của Ngài về hai loại tầm cầu cho các thầy Tỳ Kheo, trong kinh Thánh Cầu, (số 26, Trung Bộ Kinh).
“Này các Tỷ-kheo, thế nào là Phi Thánh Cầu? “ Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh… tự mình bị chết… tự mình bị sầu… tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo, vợ con là bị sanh; đầy tớ nam, đầy tớ nữ là bị sanh; dê và cừu là bị sanh; gà và heo là bị sanh; voi, bò, ngựa đực, ngựa cái là bị sanh; vàng và bạc là bị sanh. Này các Tỷ-kheo, những chấp thủ ấy bị sanh, và người ấy lại nắm giữ, tham đắm, mê say chúng, tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh”.
“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh cầu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh… cái không bệnh… tự mình bị chết… cái bất tử… tự mình bị sầu… cái không sầu… tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, như vậy, gọi là Thánh cầu”.
Gió đông réo rắt trên tán cây, như muốn thôi thúc chúng tôi thực hành thông điệp của sự từ bỏ, sự tầm cầu về chốn bình yên, nơi ấy, đã viễn ly các pháp bị sanh, bị già, bệnh, và chết.
Thời gian thăm viếng đã hết. chúng tôi trở về lại cổng phía Tây để tặng quà cho các em nhỏ địa phương. Nhìn các em khuôn mặt đã già dặn nhưng thân hình nhỏ thó, đứng co ro trong cái lạnh đầu mùa mà lòng chúng tôi quặn thắt. Một chút ân tình xin gởi lại quê cha. Tiền mà chúng tôi trao tặng giờ đây không phải là tiền nữa mà tình cảm của người anh em ở xa về thăm quê hương, xin gói gém vào trong ấy để kết nối yêu thương. Đoàn chúng tôi từ tạ quê hương Cha để tiếp tục cuộc hành trình trong vô số cuộc hành trình của kiếp nhân sinh.
Kính bái biệt Ngài, Người cha lành chung bốn loài.
Hình ảnh từ thiện ở Kapilavastu
LÂM –TÌ- NI (LUMBINI)
Nơi sinh ra người con ưu tú, một bậc vĩ nhân của nhân loại
Sau khi thăm viếng quê hương của đắng Từ Phụ, Xe chúng tôi chạy ngược về Lâm -Tỳ- Ni để bắt đầu chiêm bái chốn “động tâm” thứ nhất. Vừa đến khu thánh tích, dường như ai ai trong chúng tôi đều cảm nhận được từ trường, năng lượng tâm linh toát ra từ chốn linh thiêng Lâm -Tỳ- Ni. Nét mặt hân hoan, rạng rỡ của đoàn như thôi thúc bước chân của đoàn tiến nhanh hơn về phía trước. Chúng tôi, ai nấy dường như đã bắt đầu “động tâm”.
Xa xa, chúng tôi đã thấy ngôi đền thờ Hoàng hậu Maya, một chốn linh thiêng nhất tại thánh tích này. Trên ngôi đền, có bảo tháp được dát vàng lóe sáng giữa không gian như ngọn hải đăng giúp chúng tôi có thể nhận ra từ xa và quay về an trú trong sự yên bình nội tại. Từ cổng vào, một trụ đá sa thạch vẫn sừng sững với thời gian như khẳng định sự bất diệt của bức thông điệp hòa bình phát khởi từ nơi đây. Trụ đá, còn được gọi là ‘Trụ Đá Lâm -Tỳ- Ni’ nổi tiếng được dựng lên bởi vua A- Dục (Asoka) vào năm 249 trước CN. Nguyên thủy trên đầu trụ đá này là tượng hình một con ngựa, nhưng sau đó đầu hình con ngựa bị sét đánh gãy, chỉ còn lại thân trụ đá cao 6.7m. Đây là trụ đá có khắc dòng chữ xác nhận khu vực nơi sinh của Đức Phật:
Quốc vương Devànampiya Piyadasi (A-Dục), người con yêu dấu của chư thiên, hai mươi năm sau khi lên ngôi, đã đích thân ngự viếng và lễ cúng nơi này, vì Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, đã đản sanh ở đây. Một hàng rào bằng đá được xây và một thạch trụ được dựng lên. Bởi vì Đức Thế Tôn (Bhagavan) được sinh ra ở nơi đây, làng Lumbini được giảm thuế còn 1/8.”
Bức thông điệp thật ngắn, với lịch sử gần 2.265 năm là bằng chứng, như là một giấy khai sinh để cho hàng triệu người khắp năm châu biết được hơn 2500, tại nơi đây, thái tử đã đản sanh. Sự có mặt của Trụ đá tại nơi thiêng liêng này như một lần nữa củng cố niềm tin cho nhân loại cũng như gần 500 triệu tín đồ Phật giáo trên khắp năm châu tin rằng, đức Phật là một nhân vật lịch sử có thật, chứ không phải nhân vật truyền thuyết, huyền thoại nào đó.
Lời cuối của di chỉ lại nhắc đến việc giảm thuế cho dân chúng, lại gợi cho chúng tôi nhớ đến là một việc làm rất nhân bản mà Bác Hồ cũng đã ghi lại trong di chúc của Người, miễn thuế cho nông dân một năm. Có thể nói đây là những việc làm hợp lòng dân, do dân và vì dân mà các Vua ngày xưa, cũng như các lãnh đạo ngày nay đều hướng đến.
Gần bên trụ đá là đền thờ Hoàng Hậu Maya, nơi mà Người đã dâng tặng cho nhân thế một người con ưu tú, một đấng giác ngộ tuyệt vời. Ngôi đền Maya Devi ở Lâm -Tỳ- Ni được xây dựng cách nay gần 2600 năm, được xem như là cái nôi của Phật giáo.
Vào ngày 4 tháng Hai, 1996, một đoàn khảo cổ do Liên Hiệp Quốc tài trợ đã tuyên bố là đã tìm thấy chính xác chỗ Đức Phật được sinh ra nằm ngay bên dưới móng của đền thờ. Những nhà khảo cổ đã đào 15 hầm có chiều sâu khoảng 5m, và tìm thấy được một tảng đá (cỡ 45 cm x 15 cm) có in dấu của một bàn chân nhỏ do vua A Dục khắc in, được bảo tồn trong lồng kính chống đạn, nằm ngay trên nền được xây bằng 7 lớp gạch của ngôi đền, xác định rõ chỗ chính xác Đức Phật được sinh ra.
Trên bờ tường gạch bên phía trên đầu chúng tôi là một bức phù điêu bằng đá, mô tả sự ra đời của thái tử Tất Đạt Đa qua hình ảnh hoàng hậu Maya đang đứng vịn một nhánh cây Vô ưu và đang hạ sinh thái tử. Mặc dầu bức phù điêu này không được các nhà khảo cổ xem là di tích lịch sử, nhưng nó có giá trị sử học theo cách nhìn của các nhà nghiên cứu sử Ấn Độ và Nepal. Họ cho rằng bức phù điêu này được thực hiện bởi vua Ripu Malla, một vị vua theo đạo Hindu, của Nepal vào đầu thế kỷ XIV (1314). Vua Ripu Malla tin rằng hoàng hậu Maya là một hoá thân của nữ thần Hindu.
Hình ảnh đền Maya, bức phù điêu, hòn đá.:
Kế ngôi đền không xa, khoảng 25 bước chân, tính từ viên đá đánh dấu nơi đức Phật Đản sanh, là hồ nước thiêng Puskarni, được cho rằng nơi Hoàng Hậu Maya đã tắm trước khi hạ sanh thái tử.
Hình ảnh hồ nước:
Còn lại đây là Lâm-Tỳ-Ni hoang tàn và đổ nát. Xung quanh chúng tôi là tiếng kinh cầu cho thế giới hòa bình, chúng sanh được an vui hạnh phúc, của các đoàn chiêm bái thánh tích đến từ các nước trên thế giới và của các tu sĩ phật giáo Tây Tạng.
Tình hình chính trị, thiên tai tại Népal ngày càng trở nên xấu hơn và rối ren liên tục, khiến cho các nỗ lực kiến thiết, phục hồi quốc gia trên thế giới đang nỗ lực kiến thiết, phục hồi Lâm- Tỳ- Ni trở nên khó khăn hơn. Hoàng gia Nepal lại nắm giữ ngân quỹ của hội Trách Nhiệm Lâm- Tỳ- Ni hoạt động chưa hiệu quả.
Nhìn ngôi tháp thờ hoàng hậu Ma Da đã bị giật sập để ưu tiên cho việc khai quật, thay thế tạm thời là đền mới đơn sơ, khiến cho cảnh trí của Lâm –Tỳ- Ni vốn dĩ đã hoang tàn, nay trở nên hoang tàn hơn.
Bởi lẽ, chúng tôi biết rằng, làm sao tìm lại những vị vua mộ đạo như các triều đại Maurya, Sunga, Kushuwa, Gupta, Pala. Nhưng biết đâu, một ngày nào đó, Hoàng gia Nepal sẽ có một sách lược phục hồi Lâm- Tỳ- Ni cho tương xứng với vị trí thiêng liêng hàng đầu trong các Thánh tích khác trên thế giới. Chúng tôi đang cầu nguyện và hi vọng.
Gió thổi phần phật, những lá cờ đầy màu sắc tung bay khắp khu di tích, như mang vào hư không bức thông điệp hòa bình đến cho nhân loại. Rời Lâm-Tỳ-Ni, chúng tôi cũng không quên nguyện cầu cho tất cả chúng sanh đều có vị Phật đản sinh trong tâm thức mình.
Đạo Nguyên (Theo vienchuyentu.com)