Sáng nay, chủ nhật, ngày 08/10/2017, trong không khí se lạnh của tiết trời cuối thu đầu đông, bầu trời trong xanh, đường phố thủ đô seoul bắt đầu khoát lên mình một sắc thu vàng óng của những hàng cây ven đường, cũng là lúc tất cả người con Phật tử Việt nam cùng cộng đồng Phật tử Viện Chuyên Tu Việt Nam tề tựu về đông đủ để chuẩn bị cho lễ khai mạc khóa học Phật pháp lần thứ 6 tại Hàn Quốc và tất cả như được an ổn trong ánh từ quang của mười phương chư Phật cùng hiện tiền chư Tôn đức dưới mái chùa Quán Môn trầm mặc, thân thương này.
Về phía chư Tôn đức Hàn Quốc, quan lâm chứng minh và tham dự có sự hiện diện của Trưởng lão Hòa thượng Chun Gwang, Tổng vụ Giáo hội Phật giáo tông phái Thiên Thai, Giáo hội Phật giáo Hàn Quốc; TT. Cha-Un, Tổng quản chùa Quán Môn, 111, Baumoe-ro 7-gil, Seocho-gu, Seoul, Republic of Korea cùng các vị trong Ban Quản trị chùa Quán Môn.
Chư Tôn đức đoàn Việt Nam, Thượng tọa Thích Trí Định- Phó thư kí, kiêm trưởng Ban Thông Tin Truyền Thông GHPGVN tỉnh BR-VT; TT. Thích Hạnh Bảo- Ủy viên Hội đồng Tăng già Thế giới- Trụ trì chùa Liên Tâm Phần Lan, chùa Viên Ý- Ý Đại Lợi; TT. Thích Thiện Thuận- Phó Ban Trị sự, kiêm trưởng Ban hoằng Pháp GHPGVN tỉnh BR-VT, Trụ trì Viện Chuyên Tu 1 và 2 tại Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Khóa tu học Phật Pháp lần thứ 6 tại Hàn Quốc.
ĐĐ. Thích Hoằng Đạo- Trụ trì Tịnh Độ Phổ Đà Sơn tại Mỹ Quốc; ĐĐ. Thích Viên Minh- Trú xứ chùa Đạo Nguyên, Tam Kì, Quảng Nam, Việt Nam; ĐĐ. Thích Viên Anh, Phó Ban Hoằng Pháp GHPGVN tỉnh BR-VT; ĐĐ. Thích Thiện Thông- Phó thư kí, kiêm Chánh Văn phòng Ban trị sự GHPGVN tỉnh BR-VT; ĐĐ. Thích Tâm Đạo-Trụ trì chùa Trúc Lâm, Hải Dương; cùng chư Tôn đức Tăng Ni cùng sự tham dự của các hành giả các nơi từ Mỹ Quốc, úc Châu, Hàn Quốc đặt biệt sự có mặt của Kỳ nữ Kim Cương, ca sĩ Khả Tú, ca sĩ Dương Cường.
Mở đầu buổi lễ là lời chào mừng của Trưởng lão Hòa thượng Chun Gwang:

“Lời đầu tiên cho Tôi gửi lời chào trân trọng nhất đến quý Đại đức Tăng, Ni, nhiệt liệt chào đón quý Phật tử Việt Nam đã đến chùa Quán Môn của chúng tôi ngày hôm nay.
Tôi là Tổng vụ Giáo hội Phật giáo tông phái Thiên Thai, Giáo hội Phật giáo Hàn Quốc. Tôi vô cùng hoan hỷ khi được tham dự, gặp gỡ quý vị trong Khóa tu lần này.
Tôn rất cảm kích những việc làm cao cả của Thượng tọa Thích Thiện Thuận cùng các chư Tăng, Ni đối với đông đảo quần chúng Phật tử. Thông qua Khóa tu, các hành giả đã được trải nghiệm, được hiểu và được sống trong tinh thần từ bi và ánh hào quang vô lượng của đức Phật.
Không chỉ riêng quý vị, mà tất cả các Phật tử của Hàn Quốc cũng vậy, họ luôn nghĩ rằng nhân duyên là một điều vô cùng quan trọng. Thiết nghĩ rằng nhân duyên gặp mặt của chúng ta tại chùa Quán Môn ngày hôm nay là phước đức lớn mà đức Phật đã ban tặng cho chúng ta.
Cùng với duyên lành này, Tôi lại mong muốn nền Phật giáo của 2 quốc gia luôn gắn kết, phát triển và mở rộng. Các Phật tử của 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc luôn có những cơ hội được giao tiếp, học hỏi, trao đổi và trải nghiệm nền văn hóa Phật giáo của 2 nước.
Nếu như Phật tử của 2 quốc gia thường xuyên gặp gỡ trao đổi, hiểu biết nhau, thì chắc rằng chúng ta sẽ đem lại hạnh phúc cho nhiều người, và đồng thời có thêm sức mạnh cho công cuộc xây dựng nền hòa bình thế giới…”.
Ngay sau khi lời chào mừng của Hòa thượng Tổng vụ giáo hội Phật Giáo tông phái Thiên Thai, Thượng tọa Thích Thiện Thuận tuyên đọc Diễn Văn Khai Mạc. Trong phần diễn văn khai mạc, Thượng Tọa Trưởng Ban tổ chức nhận định:
“Trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo đã trở thành một Tôn giáo gắn bó mật thiết với đời sống xã hội, tín ngưỡng, tâm linh của người dân xứ Hàn. Sau chiến tranh thế giới thứ II kết thúc năm 1945, Phật giáo Hàn Quốc đã từng ẩn mình một thời gian dài nơi rừng sâu, núi thẳm, nay đang dần gần với cuộc sống của thế giới hiện đại và đã trở lại sinh hoạt chốn thị thành nhằm xây dựng, khôi phục các hoạt động vì lợi ích cộng đồng, hoằng pháp lợi sanh. Vì lẽ đó, việc tổ chức các khóa tu phục vụ cho nhu cầu tu học cộng đồng như thế này tại chùa Quán Môn là một thắng duyên cho Phật tử Việt Nam đang làm việc và sinh sống tại đây.”
Đi cùng với sự phát triển vượt bật về kinh tế, con người lại phải đứng trước mối lo lắng về sự suy thoái của các giá trị xã hội, cuộc sống tất bật, vội vã, khiến cho con người trở nên chỉ biết “tồn tại” hơn là “sống” hạnh phúc ngay giữa “thực tại màu nhiệm” này. Nhân loại vẫn luôn xem Phật giáo như một chỗ dựa tinh thần, là nơi cung cấp năng lượng, thanh lọc tâm hồn và mang lại cho họ sự bình an, vững chãi. Vì thế cho nên, sau những tháng ngày mãi miết với chuyện cơm áo gạo tiền cho cuộc mưu sinh thì những người công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc luôn tìm về nương tựa Ba ngôi báu nhằm tìm lại chính mình, tìm lại sự an lạc ngay giữa cuộc đời “bão giông” này. Dòng đời nghiệt ngã, luôn xô đẩy con người vào vòng xoáy kim tiền để rồi họ lại chới với, hụt hẫng và tuyệt vọng ngay trên “gia tài hạnh phúc” mà đức Thích Ca Mâu Ni để lại cho nhân loại đã hơn 2.500 năm.
Trong bài phát biểu khai mạc Thượng Tọa Trưởng Ban tổ chức nêu bật chủ đề của Khóa Tu lần này:
“Thầy biết rằng: ‘tuổi trẻ hay hướng về tương lai, người già luôn nghĩ về quá khứ’. Chúng ta thường ôm lấy những giấc mộng đi vào tương lai hay mang trên đôi vai với quá khứ trĩu nặng, thay vì chú tâm sống với giây phút hiện tại. Tuổi trẻ của các con thường muốn sống cuộc đời như mơ ước một cách vội vã, muốn thực hiện ngay những hoài bão bằng mọi giá; trong khi đó, người già lại thích ngồi ‘đánh bóng’ những kỷ niệm xa mờ. Thay vì tiếc nuối quá khứ, hay mơ lấy tương lai hão huyền, thì đức Phật dạy chúng ta biết rằng chỉ có phút giây hiện tại mới đem lại cho chúng ta giá trị sống đích thực và cũng chỉ có hiện tại mới làm cho chúng ta phát huy được khả năng của mình. Chính vì thế, chúng ta phải biết nắm bắt lấy cơ hội và đừng để lãng phí nó. Đức Phật cũng đã từng dạy:
‘Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển
Biết vậy, nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,.’
(Kinh Trung Bộ , Kinh Nhất dạ hiền giả số 131).
‘Đối diện thực tại’ không có nghĩa là chống chọi, loại trừ, than trách, buộc tội, tránh né, than phiền với tha nhân, với hoàn cảnh hay cuộc đời này mà là nhận diện và quay về thực tại với tâm hoan hỉ chấp nhận, rõ biết thực tại để tìm thấy những phút giây đang hiện hữu thật màu nhiệm; để thấy rằng hạnh phúc mà chúng ta đang tìm kiếm không chỉ có ‘cơm no và áo đẹp’ mà hạnh phúc còn được tìm thấy ở ‘đi, đứng, nằm, ngồi’ là sự nhận diện thực tại để ‘dừng lại các dục vọng’ từ đó giúp ta sống tích cực và trọn vẹn hơn ngay giữa đời sống này…”.
Vào một ngày bình yên như hôm nay, với niềm tin tưởng, và lòng hoan hỉ vô biên, Khóa tu học Phật pháp lần thứ 6 chính thức khai mạc với chủ đề: ‘Đối diện thực tại’.
Sau cùng là lời cảm tạ của Ban tổ chức do Thượng tọa Thích Hạnh Bảo, chứng minh Khóa tu, tuyên đọc.
Thượng tọa cảm niệm ân tình của chư Tôn đức chứng minh đã gia tâm và sự cộng tác của Quý nam nữ Phật tử đã góp phần thành công của khóa tu học. Thượng Tọa chúc mừng sự thành công của Khóa tu và ca ngợi sự đoàn kết, hòa hợp của đại chúng: “Trong niềm hoan hỉ và bao dung khi tất cả người con Phật khắp nơi từ các châu lục trên thế giới tề tựu về đây để cùng nhau tu học Phật pháp, một hội chúng truyền thống như vậy đã có từ ngàn xưa và thường nhận được sự ngợi ca, tán thán của trời người. Như du sĩ ngoại đạo Vacchagotta trước khi quy y đã từng ca ngợi hội chúng của Đức Phật: “Thưa Tôn giả Gotama, ví như sông Hằng hướng về biển cả, chảy về biển cả, xuôi dòng về biển cả, liền đứng lại khi xúc chạm với biển cả. Cũng vậy, hội chúng của Tôn giả Gotama gồm có giới xuất gia và tại gia hướng về Niết bàn, chảy về Niết-bàn, xuôi dòng về Niết-bàn, liền đứng lại khi xúc chạm với Niết-bàn. Thật vi diệu thay tôn giả Gotama…Trong suối nguồn mang hương vị giải thoát, mang theo những cánh hoa đào tuyệt đẹp của từ bi, trí tuệ đang xuôi dòng chảy khắp muôn phương, mấy ngày qua, các hành giả đã có cơ hội thực tập “đối diện với thực tại”mầu nhiệm mà chúng ta đã từng lãng quên. Đã có những giọt nước mắt hạnh phúc trào ra từ khóe mắt úa nhàu khi buông xuống bao ưu phiền khổ lụy. Hành trình tiến tu của chúng ta sẽ là sự cần mẫn để xâu kết những giọt nước mắt này thành chuỗi ngọc ma-ni dâng lên cúng dường chư Phật mười phương trên dặm đường giác ngộ.”
Ban biên tập xin giới thiệu hình ảnh của buổi lễ khai mạc:

ĐĐ. Thích Thiện Hưng và Phật tử Diệu Hồng điều phối chương trình

Trưởng lão Hòa thượng Chun Gwang, Tổng vụ Giáo hội Phật giáo tông phái Thiên Thai, Giáo hội Phật giáo Hàn Quốc, Ban đạo từ và chào mừng lễ khai mạc.


TT. Thích Thiện Thuận tặng quà đến Trưởng lão Hòa thượng Chun Gwang, Tổng vụ Giáo hội Phật giáo tông phái Thiên Thai, Giáo hội Phật giáo Hàn Quốc.

Các em Phật tử Trung tâm nhịp cầu văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc múa dâng hoa

Phật tử Thiện Đạt đại diện chư hành giả dâng lời phát nguyện

TT. trưởng BTC cùng TT. Cha-Un, Tổng quản chùa Quán Môn, 111, Baumoe-ro 7-gil, Seocho-gu, Seoul, Republic of Korea, trao bằng tuyên dương công đức

Chư Tôn đức Giáo thọ phát thưởng thi trắc nghiệm giáo lý đến các hành giả

Thực hành cổ Phật khất thực

Đ Đ. Thích Thiện Hưng hướng dẫn Quý Phật tử tác bạch cúng dường trai Tăng

Viện Chuyên Tu
Bài viết mới:
Các bài viết khác...
|