Tin tức Phật Giáo->Tin tức Phật Giáo->Tham luận Ban Trị sự GHPGVN TP. VT trong Đại hội  
Tham luận Ban Trị sự GHPGVN TP. VT trong Đại hội
 

Đề tài: Gợi ý mô hình sinh hoạt Giáo hội

Kính thưa chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội

Kính thưa chủ tọa đoàn

Kính thưa quý đại biểu

Hôm nay, chúng tôi rất vinh hạnh được tham dự Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiệm kỳ 2017-2022. Được sự phân công của Ban Tổ chức, chúng tôi xin trình bày tham luận của Ban Trị sự GHPGVN thành phố Vũng Tàu, chủ để Mô hình sinh hoạt Giáo hội.

Kính thưa . . .

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một hệ thống phân cấp quản lý Tăng Ni tự viện trong cả nước, được chia làm ba cấp hành chính là Hội đồng Trị sự TW, Ban Trị sự tỉnh và Ban Trị sự huyện. Mỗi cấp có quyền hạn và nhiệm vụ riêng, nhưng điểm chung là đều giúp cho Giáo hội ổn định và phát triển trong lòng dân tộc. Nếu mỗi cấp Giáo hội đều làm tốt vai trò, chức năng của mình thì Phật giáo sẽ ngày càng vững mạnh. Ngược lại, Phật giáo sẽ ngày càng suy yếu và kéo theo bao hệ lụy ảnh hưởng đến sự tu học, sinh hoạt của Tăng Ni và niềm tin của quần chúng đối với Phật giáo. Trung tâm điểm kết nối của ba cấp Giáo hội là Ban Trị sự cấp tỉnh, có chức năng và thẩm quyền khá rộng, giải quyết hầu hết các vấn đề của Tăng Ni và tự viện. Cho nên, nếu có một mô hình hoạt động hợp lý, Phật giáo tỉnh đó sẽ ngày càng phát triển đồng hành với sự đi lên của đất nước. Trong bài tham luận này, chúng tôi xin được đưa ra mô hình hoạt động cho Ban Trị sự tỉnh BR-VT gồm 4 điểm như sau:

I. VẬN HÀNH ĐÚNG QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG

Quy chế hoạt động của Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh đã được Giáo hội ban hành vào năm 2014 gồm 4 chương, 24 điều, là một văn bản quy phạm đã qua một quá trình tư duy nghiên cứu từ thực tiễn hoạt động Phật sự của GHPGVN và tình hình chung của đất nước. Đó là thành quả của kinh nghiệm và thực tiễn, xây dựng trên nền tảng trí tuệ và tu tập của chư tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, làm cương yếu cho các hoạt động Phật sự các tỉnh thành, tạo nên sự đồng bộ và thống nhất trong cả nước. Cho nên, nếu vận hành đúng theo Quy chế, mọi công tác Phật sự của Giáo hội chắc chắn sẽ thành tựu, vì đó là cơ sở pháp lý để y cứ, cũng là văn phạm chuẩn nhất của Giáo hội để Ban Trị sự các tỉnh thành hoạt động Phật sự, cũng là đáp án để giải quyết mọi vấn đề. Đây là nhân tố không thể thiếu trong mô hình hoạt động chung của BTS tỉnh.

II. ĐỒNG HÀNH VỚI XÃ HỘI

Đạo Phật xuất hiện ở thế gian là vì con người và cho con người, mà tập hợp con người là một xã hội. Nếu Phật giáo đi ngược lại với trào lưu phát triển và những tư duy thực tế của xã hội thì Phật giáo không thể tồn tại và phát triển. Cho nên, phải vận hành thế nào để thích ứng với sự phát triển đổi mới của xã hội thì Phật giáo mới tồn tại và có giá trị hiện hữu. Đây là vấn đề mà chư vị tôn túc lãnh đạo Giáo hội cần lưu tâm và nghiên cứu.

Đối với Phật giáo thì bản thể là bất biến nhưng vận hành là tùy duyên. Tùy duyên mà bất biến, bất biến mà tùy duyên. Chúng ta cần phải thao thức với những vấn đề mà xã hội và quần chúng quan tâm, cần phải linh hoạt trước những đổi mới không ngừng của đất nước, phải đi vào lòng quần chúng để hoạt động có hiệu quả, vì Giáo hội không chỉ dành cho Tăng Ni mà còn một số lượng lớn tín đồ Phật tử, là một phần không nhỏ của xã hội hiện nay. Vì vậy, nên chăng có những sự điều chỉnh hợp lý trong khuôn khổ hoạt động của Giáo hội để thích ứng với tình hình xã hội đang diễn ra, tạo hiệu ứng cho Phật giáo thăng hoa và phát triển. Muốn như vậy, chúng ta nên thành lập một Ban chuyên nghiên cứu các vấn đề xã hội để tham mưu cho Giáo hội những giải pháp cần thiết để hoạt động Phật sự có hiệu quả, đáp ứng được các vấn đề xã hội quan tâm có liên quan đến Phật giáo.

III. ĐÀO TẠO ĐỘI NGŨ KẾ THỪA (CÁN BỘ NGUỒN)

Đào tạo Đội ngũ kế thừa khác với đào tạo Tăng tài ở các trường Phật học. Đội ngũ này là những Tăng Ni ưu tú đã tốt nghiệp các trường lớp Phật học về lại địa phương để sinh hoạt. Giáo hội phải chọn những người thực sự có năng lực và đạo hạnh để đưa vào đội ngũ kế thừa (Cán bộ nguồn). Đội ngũ này, sẽ được Giáo hội thường xuyên bồi dưỡng và cân nhắc vào những vị trí cần thiết để chuẩn bị cho các vai trò lãnh đạo chủ chốt trong tương lai. Giáo hội cũng nên mở những khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ Phật giáo, các khóa học ngắn hạn dành cho các vị lãnh đạo… để bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo và làm việc. Vần đề này, thiết nghĩ, Giáo hội cần để tâm nhiều hơn để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển Phật giáo trong tương lai. Nếu không có sự chuẩn bị nhân sự nguồn trước 5, 10 năm thì e rằng Giáo hội khó có một đội ngũ lãnh đạo chuẩn mực và hoạt động hiệu quả. Đây là một chiến lược rất quan trọng để ổn định và phát triển Giáo hội, rất mong các vị lãnh đạo quan tâm và có giải pháp thực hiện.

IV. TẠO PHONG TRÀO THI ĐUA

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Điều này rất chính xác, vì thi đua là tạo động lực để hoạt động và sản xuất. Có thi đua mới có thái độ tích cực trong lao động, tạo hiệu ứng thiết thực cho sự phát triển xã hội; cũng là một cách thể hiện lòng yêu nước của mình. Nếu chúng ta chỉ biết nói Tôi rất yêu nước tôi, nhưng lại không biết làm gì cả, không tích cực tham gia lao động sản xuất thì yêu nước như vậy có nghĩa gì đâu.

Phật giáo cũng vậy, nếu không có những người dấn thấn hành đạo, đem Phật pháp vào thế gian, hy sinh sự nhàn rỗi của mình vì lợi ích của người khác thì làm sao Phật giáo tồn tại cho đến ngày nay. Trong một tổ chức, nếu không có phong trào thi đua thì hiệu quả công việc chắc chắn không thể đạt được đĩnh cao, vì thiếu động lực và sự cạnh tranh (lành mạnh). Ở đây chúng ta cần để chuyện tu hành qua một bên, vì tu hành là chuyện riêng của mỗi người. Chúng ta đang bàn đến cách làm việc thế nào cho có hiệu quả tốt nhất để làm cho Phật giáo lan tỏa trong thế gian nên đôi khi chúng ta cũng sử dụng một chút thế gian pháp để tạo động lực cho sự hoàn hảo và phát triển của tổ chức. Thật ra, dưới con mắt của người giác ngộ thì tất cả pháp đều là Phật pháp. Cho nên, pháp nào có thể làm lợi ích cho số đông thì chúng ta cần ứng dụng để mang hạnh phúc và an lạc cho hữu tình.

KẾT LUẬN

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được hình thành và phát triển trong một thời dài, thiết nghĩ đó cũng là nhờ tài năng và đức độ của những bậc tiền bối cao Tăng. Phật giáo Việt Nam ngày nay, muốn đồng hành cùng dân tộc cũng phải nhờ uy tín, sự vận hành khéo léo của chư tôn túc lãnh đạo và ý chí hòa hợp của Tăng Ni Phật tử. Nếu chúng ta vận hành theo nguyên tắc khế lý, khế cơ, khế thời của Phật giáo thì không Phật sự nào mà không thành tựu. Ban Trị sự GHPGVN TP. Vũng Tàu có vài đóng góp nhỏ để xây dựng mô hình hoạt động của Giáo hội trong thời hiện đại. Rất mong chư tôn đức lãnh đạo quan tâm và nghiên cứu.

Kính chúc quý lãnh đạo Giáo hội, quý đại biểu nhiều sức khỏe. Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Tác giả: Đại đức Thích Thiện Thông

VĂN PHÒNG BAN TRỊ SỰ THÀNH PHỐ

Bài viết mới:
Các bài viết khác...